NỒNG ĐỘ % CỦA DUNG DỊCH
Chúc mừng năm mới 2024. Hy vọng một năm mới với nhiều hy vọng tươi sáng cùng kinh tế khởi sắc!
Ngày đầu năm, xin khai bút bằng một bài viết nhỏ giải thích về khái niệm % của dịch truyền thường dùng trong Y khoa.
Lúc còn là sinh viên thì không để ý nhiều, cho đến khi bắt đầu đi làm thì những khái niệm này rất dễ nhầm lẫn vì nó sẽ hơi khác biệt với kiến thức hoá học phổ thông.
Trong hoá học, Nồng độ phần trăm của một dung dịch là một đại lượng cho biết trong 100 gam dung dịch sẽ có bao nhiêu gam chất tan.
VD: dung dịch Glucose 10% tức là trong 100g dung dịch này có chứa 10 gam chất tan (glucose) và 90 gam dung môi.
Đối với y khoa, nồng độ % được định nghĩa cho người ta biết rằng trong 100 mL dung dịch nước có bao nhiêu gam chất tan.
VD: dung dịch Glucose 10% tức là trong 100 mL dung dịch có chứa 10 gam glucose.
Từ đó chúng ta sẽ tính được lượng gam chất hoà tan có trong các sản phẩm dịch truyền thương mại hiện nay. Bởi vì thể tích mỗi loại dịch truyền đều khác nhau, không phải lúc nào cũng đúng 100 mL, nhân viên y tế cần hiểu đúng và điều chỉnh đúng với lượng chất cần thiết bổ sung cho bệnh nhân.
VD:
. Chai dịch NaCl 3% 100 ml: đây là dịch truyền muối ưu trương, đóng chai sẵn 100 mL. Như vậy nó có 3g NaCL trong 100 mL dung dịch.
. Chai dịch Albumin 20%: đối với albumin, các sản phẩm có sẵn thường gặp là chai thể tích 50mL, 100mL. Đối với chai 100mL thì khối lượng chất tan được tính như trên, nhưng đối với chai 50mL thì chỉ có 10 gam albumin thôi.
☞ Như vậy khi lựa chọn dịch truyền (nhất là khi điều chỉnh điện giải, rối loạn kiềm toan…) thì cần phải hiểu và tính toán cẩn thận để bổ sung cho bệnh nhân, không thiếu cũng không thừa ./.