LIÊM CHÍNH KHOA HỌC

Gần đây người bạn đồng nghiệp gửi cho một cái link: là một bài viết trên báo giáo dục. Câu chuyện nói về vấn đề hiện tượng “biến tướng” trong công việc nghiên cứu khoa học. Tóm tắt chung đại khái tác giả muốn nhắc đến vấn đề “chống lưng” cho các học sinh phổ thông / sinh viên đại học trong các sân chơi nghiên cứu khoa học của HS-SV từ các giảng viên đại học, khiến các đề tài theo hướng “vĩ mô hoá” và vượt quá khả năng hiểu biết của HS-SV.

Sau nhiều năm làm việc và nghiên cứu, tôi hiểu rằng niềm yêu thích, đam mê khoa học chỉ dành cho những “tấm chiếu mới”, vì trước đây chính bản thân tôi cũng vậy. Với niềm thích thú, niềm hăng say và nhiệt huyết của tuổi trẻ, dấn thân vào nghiên cứu khoa học như một con thiêu thân, rồi nhận ra sự phũ phàng và nhiều điều…không thể nhắc đến. Chính vì thế, hiện nay, may mắn thay NCKH vẫn còn là đam mê nên tôi luôn tâm niệm cố gắng giữ lửa, truyền đạt cho thế hệ sau niềm vui của NCKH thuần chất nhất, tránh để các em SV bị hụt hẫng giống mình.

Về bài báo: phải nói rằng sự biến tướng là có, với mục đích và mưu cầu gì thì không cần bàn đến ở đây. Tôi chỉ muốn nói đến nhiệm vụ của người thầy khoa học/ người hướng dẫn/ người bảo trợ. Sân chơi khoa học không bao giờ là quá sức với HS-SV. Mọi thứ ý tưởng, câu hỏi, vấn đề các em nghĩ ra đều có thể trở thành nghiên cứu khoa học, trách nhiệm của người thầy là dẫn dắt đứa trẻ, biến ý tưởng đó thành hiện thực có tính khoa học và ứng dụng, theo con đường phù hợp với khả năng và mức độ khả thi của đề tài. Người thầy sẽ không bao giờ trở thành người thầy thật sự, nếu chỉ mưu toan lợi ích cá nhân và tìm “nhân công giá rẻ” từ các em học sinh. Lưu lại đạo đức, vang vọng tiếng thơm cùng việc truyền cảm hứng cho thế hệ sau, mới là những gì người làm giáo dục nên hướng đến./.

Sài Gòn, chiều tháng 5/2022

-WS-

Link bài báo: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thi-khkt-neu-khong-duoc-uu-tien-vao-thang-dh-hs-co-con-de-ra-de-tai-tam-ts-post225633.gd?