“Giai đoạn cuối” của HIV/AIDS là gì?

Mấy hôm nay bệnh nhân vẫn cứ hay hỏi “em bị giai đoạn cuối rồi hả bác?”, “giai đoạn cuối là còn bao lâu vậy bác?”, “tui giai đoạn mấy rồi bác, cuối rồi hả?”. Nghe mà phát chán.

Không phải chán vì căn bệnh của họ, hay vấn đề nhiễm trùng đang gặp phải. Chán là vì truyền thông chưa thật sự làm rõ cho người bệnh hiểu thế nào là HIV, thế nào là AIDS.

Nhiễm HIV khi BN có xuất hiện virus trong người, thời điểm này này có thể nói là giai đoạn đầu tiên. Theo thời gian, virus sẽ nhân lên, tấn công hệ miễn dịch, làm cơ thể suy yếu dần, nhưng có thể vẫn chưa biểu hiện ra triệu chứng cho người bệnh nhận thấy, vì cơ bản nó tấn công vào hệ miễn dịch, khiến miễn dịch suy yếu, nó không tấn công gây viêm nhiễm một cơ quan nào đó như virus thuỷ đậu hay virus cúm. Đây được gọi là giai đoạn cửa sổ, tức có nhiễm virus nhưng chưa xuất hiện triệu chứng. Trong hai giai đoạn này, hầu như BN không biết mình mắc bệnh, nếu có để ý chỉ là mơ hồ thấy có vẻ sức khoẻ “hơi kém”. Đa số BN phát hiện bệnh một cách tình cờ khi đi khám sức khoẻ hoặc đi tầm soát.

Khi virus HIV tàn phá vừa đủ hệ miễn dịch, các tác nhân nhiễm trùng cơ hội sẽ tấn công cơ thể, khiến cơ thể bị nhiễm trùng, ví dụ như nấm da, viêm phổi do nấm, do lao, viêm não v.v…Người ta gọi đây là giai đoạn nhiễm trùng cơ hội hay là người bệnh đang bị Hội Chứng Suy Giảm Miễn Dịch Mắc Phải (AIDS). Một số người trung niên/lớn tuổi thường gọi bệnh AIDS là bệnh SIDA: thật ra hai cụm từ như nhau, AIDS viết tắt từ tiếng Anh còn SIDA từ tiếng Pháp.

Giai đoạn AIDS được chia làm 4 giai đoạn: từ 1 đến 4, tương ứng với mức độ suy giảm của hệ miễn dịch và loại nhiễm trùng cơ hội mà BN mắc phải. Giai đoạn càng cao mức độ của loại nhiễm trùng càng nặng. Ví dụ: BN bị nấm móng hay bị zona thuộc giai đoạn 2. BN bị viêm não, lao ngoài phổi…thuộc lâm sàng giai đoạn 4.

Giai đoạn cuối nằm ở đâu trong phân loại bệnh AIDS?

Không có một tài liệu y văn hay phác đồ điều trị bệnh nào ở Việt Nam lẫn thế giới nói BN bị “AIDS giai đoạn cuối”. Giai đoạn được phân loại theo như đã giải thích ở trên là 4, mức cuối cùng của AIDS được phân loại. Khi chúng ta dùng từ “cuối” làm cho BN hiểu lầm rằng bệnh của ông/bà khó qua khỏi, tiên lượng dè dặt, là tuyệt vọng rồi, “còn mấy tháng nữa thôi”.

Tôi đã và đang điều trị đa dạng các thể loại nhiễm trùng cơ hội, nặng có nhẹ có. Vẫn có những trường hợp nhiễm trùng giai đoạn 4 có thể điều trị khỏi, sau đó BN tuân thủ thuốc điều trị đặc hiệu tốt => miễn dịch phục hồi, không còn nhiễm trùng cơ hội. BN thoát khỏi các giai đoạn AIDS. Lúc này BN chỉ được gọi là người nhiễm HIV chứ không gọi là người bị AIDS. Hơn thế nữa, nếu BN tuân thủ tốt nhiều năm tháng thì BN sẽ không rơi lại vài giai đoạn AIDS, có cuộc sống sung túc khoẻ mạnh như một người không nhiễm.

Tóm lại, ngôn từ có sức nặng ngàn cân, hiểu rõ và dùng cho đúng, để không trở thành người tạo áp lực cho bệnh nhân mà trở thành người giúp họ vơi bớt nỗi lo. Suy cho cùng, đối với BN HIV, tâm lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thông cảm, thấu hiểu, không suy xét, đồng hành là những từ tôi luôn tâm niệm khi đứng trước bệnh nhân./.