CHUYỂN DỊCH Y TẾ CÔNG

Trong thời điểm hiện tại, có thể thấy rằng y tế công đang hứng chịu những tổn thất lớn, trong đó sự tháo chạy của các y bác sĩ, điều dưỡng đang là chủ đề bàn tán lớn hiện tại.

Việc rút khỏi hệ thống y tế công là một hậu quả tất yếu mà chúng tôi đã dự đoán từ nhiều năm trước. Gánh nặng về số lượng bệnh, sự “phóng khoáng” của BHYT và trăn trở lớn nhất về chất lượng cuộc sống của nhân viên y: TIỀN LƯƠNG

Câu chuyện lương thưởng thì ôi thôi: việc phân chia hệ thống lương theo cấp bậc viên chức nhà nước đã mấy chục năm nay, không gì thay đổi. Nói vậy tức là: một nhân viên văn phòng, bậc ĐH, làm 8 tiếng 1 ngày, hưởng hệ số mức lương cơ bản 2.34, thì một bác sĩ đại học 6 năm, mới ra trường, cũng sẽ “được” hưởng hệ số tương tự. Nếu có bằng sau ĐH thì thêm được 100 – 200 nghìn gì đấy. BS sẽ có thêm những khoản trợ cấp tại đơn vị của họ, nhưng đó là chi tiêu nội bộ đơn vị, phụ thuộc vào tình hình thu chi của BV/phòng khám/trạm y tế, không thể tính vào mặt bằng chung được. Nói không ngoa khi bảo lương khởi điểm của một BS mới chỉ bằng…NV giữ xe (?)

Mới đây, khi ngồi hàn huyên với các đồng nghiệp từ các BV lớn khác, họ đều ca thán về công cụ, dụng cụ, thiết bị y khoa không đủ số lượng/chất lượng/ hoặc thậm chí không có đề phục vụ chuyên môn. Cơ chế đấu thầu, sự “sòng phẳng”, hay lợi ích nhóm…luôn níu trì đôi tay của người hành nghề y. Tôi lấy ví dụ đơn giản như XN khí máu động mạch, 1 XN rất cần thiết trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, cần phải có kết quả sớm để BS điều chỉnh máy thở, hỗ trợ hô hấp, bù dịch hồi sức…nhưng sau khi lấy máu xong lại đi gửi ở phòng XN ngoài (?). Quy trình gửi XN ngoài ai làm trong nghề đều biết: nhiêu khê, phức tạp, phải gom đủ số lượng mẫu mới gửi…Như vậy kết quả về đến thì đã chậm trễ, không còn giá trị sử dụng.

Một ví dụ khác là thuốc men nội trú: cũng chính vì cơ chế, quy trình..mà một số mặt thuốc không thể đặt được. BN nằm nội trú, nhưng lại phải mua thuốc ngoài thêm vì…BV hết thuốc (?). Thuốc mua toa ngoài thì không được BHYT thanh toán (?).Đến khi BN biết thì xảy ra cự cãi. Chúng tôi làm chuyên môn, vai trò thừa hành chứ không phải nhân viên BHYT, tại sao lại phải đôi co với BN từng viên thuốc như thế này?

Thủ tướng Chính Phủ vừa ra quyết định đề nghị các Bộ, Ban ngành phối hợp điều chỉnh lại quy trình, đánh giá thích ứng và điều chỉnh nhanh trong bối cảnh hệ thống YT đang cạn kiệt và nản lòng chiến sĩ.Tuy nhiên điều trăn trở lớn nhất như đã nói ở trên thì chưa được nhắc đến ?. Chờ thôi các đồng nghiệp ạ, xem sẽ nở hoa hay tiếp tục bế tắc. Nếu chờ không nổi, chuyện gì đến thì cũng phải đến.