HIV và định kiến!

Ở thời điểm hiện tại, với sự phát triển của khoa học, HIV không còn là mối nguy hiểm lớn nếu bệnh nhân tuân thủ uống thuốc kháng virus (ARV) tốt và theo dõi thường xuyên, định kỳ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi tiếp xúc với các đồng nghiệp không làm trong ngành truyền nhiễm hay những người dân, họ vẫn xem người nhiễm HIV là một đối tượng gì đó rất đáng sợ, khiếp đảm, xa lánh và kỳ thị (như là chúng ta kỳ thị gia đình có F0 lúc mới xảy ra dịch COVID-19). Vậy nguyên cớ gì ảnh hưởng đến tâm lý xa lánh này?

Ngược dòng lịch sử: HIV được phát hiện từ năm đầu của thập niên 1980 tại Mỹ, với những trường hợp phát hiện đầu tiên bị viêm phổi do một tác nhân nhiễm trùng cơ hội hiếm gặp: Pneumocystic carrini (tên hiện nay Pneumocystic jiroveci). Lần lượt sau đó các báo cáo về những trường hợp nhiễm trùng cơ hội xuất hiện, liên quan đến một tình trạng suy giảm miễn dịch ở người. Đến 1982, CDC Hoa Kỳ quyết định sử dụng thuật ngữ AIDS – Acquired Immune Deficiency Syndrome – Hội Chứng Suy Giảm Miễn Dịch Mắc Phải – để đặt tên cho nhóm bệnh nhiễm trùng cơ hội này (điều thú vị là AIDS được đặt tên trước cả khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh là HIV). Mãi đến năm 1983 (3 năm sau các trường hợp AIDS đầu tiên), nhà virus học người Pháp,  Dr. Françoise Barré-Sinoussi và cộng sự mới phát hiện một loài retro virus có thể là nguyên nhân gây bệnh AIDS: đây là phát hiện đầu tiên về virus HIV và nhờ công trình này,  Dr. Françoise Barré-Sinoussi đã được trao giả Nobel Y Học vào năm 2008.

Hơn 40 năm được phát hiện và tìm cách khống chế HIV, thế giới đã có nhiều đột phá để khiến cho căn bệnh này không còn là mối nguy hại quá lớn. Tại Việt Nam, chương trình quốc gia phòng chống HIV/AIDS luôn được nhà nước quan tâm và triển khai liên tục. Ngoài ra với sự ra đời của nhiều loại thuốc ARV thế hệ mới: dung nạp thuốc tốt hơn, ít tác dụng phụ hơn, dễ tuân thủ…đã khiến cho người nhiễm HIV có thể có một cuộc sống hầu như bình thường và không ảnh hưởng đến người khác, thậm chí có thể lấy vợ/chồng, sinh con mà không lây bệnh cho vợ/chồng/con nếu theo chiến lược điều trị đúng.

Năm 2017, các dự án quốc tế hỗ trợ điều trị BN HIV/AIDS rút dần khỏi Việt Nam, cho thấy căn bệnh này không còn là mối lo lớn như trước đây. Bắt đầu từ 2018 Bộ Y Tế có những văn bản hướng dẫn, đưa HIV vào danh mục bệnh thuộc bảo hiểm y tế. Người bệnh có thể đến các trung tâm y tế địa phương, xác nhận thông tin để được theo dõi và điều trị.

Vậy tâm lý kỳ thị, xa lánh đến từ đâu?

HIV lây lan thông qua 3 con đường chính: đường máu, quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con. VN phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990. Tại thời điểm đó, còn thiếu thốn nhiều thứ về phương tiện chẩn đoán, thuốc men điều trị và theo dõi, vì thế các ca nhiễm HIV dễ tiến triển đến giai đoạn AIDS với các tình trạng nhiễm trùng cơ hội nặng và tỷ lệ tử vong cao. Người ngoài nhìn vào một BN AIDS sẽ thấy chủ yếu bộ dạng gầy gò, ghẻ lở, suy kiệt, ngoài ra quan niệm cho rằng chỉ những kẻ ăn chơi, gái gú hay hút chích mới bị HIV/AIDS khiến cho tâm lý lo sợ và kỳ thị. Có lẽ đó là lý do các thế hệ trước đây luôn có “ác cảm” với người nhiễm HIV, rằng chỉ những kẻ ăn chơi nghiện ngập mới bị HIV/AIDS, khiến người bệnh luôn thu mình lại, tâm lý bất an, trầm cảm và sợ hãi khi nhắc đến bệnh tình.

Các băng rôn, biểu ngữ hay, phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí những phòng khám HIV tư nhân cứ ra rả “HIV căn bệnh thế kỷ”. Khi anh nói 1 lần: không ai tin, khi anh nói 2 lần: người ta bắt đầu hoài nghi, khi anh nói 10 lần: người ta xem đó là kiến thức đúng, và khi anh nói 1000 lần thì điều đó trở thành “chân lý”. Nó hằn sâu vào trong trí óc của người dân, ám ảnh họ đến nhiều tháng, nhiều năm và nhiều thế hệ.

Một quảng cáo khám HIV được tìm thấy trên internet

Như vậy, quan niệm hiện nay như thế nào cho đúng đắn?

Tôi lấy một ví dụ thường gặp đó là bệnh viêm gan siêu vi B (HBV). HIV và HBV đều lây truyền thông qua 3 con đường như trên, đều phải uống thuốc đều đặn hàng ngày, tuân thủ đúng chỉ định theo dõi của BS. Là một bác sĩ làm trong ngành truyền nhiễm nhiều năm, việc điều trị BN HIV có khi còn dễ dàng hơn cả một BN HBV. Vậy thì cớ gì chúng ta không kỳ thị BN HBV mà lại kỳ thị BN HIV?

Nhiều bệnh nhân tôi điều trị, đa phần là người trẻ, họ cũng lo lắng và chới với trong lúc đầu tiên phát hiện bệnh. Sau một thời gian điều trị, theo dõi cùng với việc giải thích, động viên và tư vấn, họ đã có cái nhìn thoáng hơn. Chỉ một thời gian ngắn, đa số bệnh nhân bước qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý ban đầu và dần dà xem chuyện uống thuốc hàng ngày cũng như là bổ sung “thuốc bổ”, một hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày. Vướng mắc lớn nhất là những đối tượng lão thành, những người lớn tuổi trong gia đình, làm sao “đả thông tư tưởng” của họ để người bệnh thoải mái chia sẻ về vấn đề của mình cho người thân. Đó sẽ còn là một chặng đường dài.

Nói tóm lại, HIV hiện nay đã không còn như HIV của 20 năm trước, các bệnh nhân HIV vẫn có thể thoải mái làm việc, vui chơi và sinh hoạt như một người khoẻ mạnh bình thường nếu tuân thủ tốt chỉ định điều trị và theo dõi của BS. Phương tiện truyền thông, báo đài cần đưa thông tin chính xác hơn để người dân đừng để bị tư tưởng “ám thị”: ám ảnh và kỳ thị căn bệnh mạn tính này nữa./.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.hiv.gov/hiv-basics/overview/history/hiv-and-aids-timeline
  2. https://baoquocte.vn/nobel-y-hoc-2008-vinh-danh-nhung-nguoi-phat-hien-hiv-25190.html
  3. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bao-hiem/Thong-tu-27-2018-TT-BYT-huong-dan-thuc-hien-bao-hiem-y-te-doi-voi-nguoi-nhiem-HIV-361767.aspx