NHIỄM “SÁN CHÓ” VÀ NHỮNG HIỂU LẦM THƯỜNG GẶP (P2)

THẮC MẮC 1: VẬY CHÚNG TA NHIỄM SÁN CHÓ HAY GIUN ĐŨA CHÓ?

Hình 1: Xét nghiệm Toxocara spp

Khi kiểm tra máu, kết quả xét nghiệm thông thường và phổ biến mà các phòng xét nghiệm hay làm đó là xét nghiệm Toxocara như hình 1 (tức giun đũa chó/mèo). Vì thế GIUN ĐŨA CHÓ/MÈO mới chính là tác nhân được xét nghiệm chứ không phải Sán chó/mèo như chúng ta lầm tưởng.

Thế Sán chó/mèo có gây bệnh không? Xin thưa vẫn có, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm Sán chó/mèo rất thấp ở người và không phổ biến như giun đũa chó/mèo, vì thế các phòng xét nghiệm thường ít khi làm loại xét nghiệm máu tìm Sán chó/mèo.

THẮC MẮC 2: TẠI SAO GỌI LÀ GIUN ĐŨA CHÓ MÈO?

Có 2 tác nhân giun đũa riêng biệt: Giun đũa gây bệnh ở người (Ascaris lumbricoides) và Giun đũa gây bệnh ở chó/mèo (Toxocara spp). Ascaris lumbricoides có ký chủ chính là con người, sống trong cơ thể con người mới trưởng thành được, vì thế được xếp vào nhóm giun gây bệnh ở người. Toxocara spp phải sống trong cơ thể chó mèo mới có thể trưởng thành (nếu sống trong cơ thể người thì không phát triển thành giai đoạn trưởng thành mà chỉ ở dạng ấu trùng), và chó/mèo là ký chủ chính của Toxocara spp.

THẮC MẮC 3: TẠI SAO LẠI BỊ NHIỄM GIUN ĐŨA CHÓ/MÈO?

Sơ đồ 1: Chu trình phát triển của Toxocara spp

Sơ đồ 1 cho thấy chu trình phát triển của GIUN ĐŨA CHÓ/MÈO trong cơ thể động vật và mối tương quan của ký sinh trùng với con người. Tóm tắt sơ đồ cho dễ hình dung: Toxocara spp có chu trình phát triển chính trong cơ thể động vật như chó, mèo, động vật có xương sống… Trong giai đoạn phát triển thành trứng có ấu trùng, vô tình con người tiếp xúc với giai đoạn này (chơi với chó mèo, chăm sóc chó mèo, tiếp xúc với phân chó mèo có chứa trứng, ăn phải thức ăn như rau cải sống không rửa kỹ nên có trứng do chó/mèo phóng uế ngoài đồng, ruộng…), trứng sẽ đi vào cơ thể con người thông qua đường miệng và nở thành ấu trùng trong cơ thể người. Từ đó ấu trùng sẽ theo đi khắp cơ thể, sau đó trú ngụ tại các mô cơ quan và gây bệnh.

(còn tiếp)