THẮC MẮC 4: NHIỄM GIUN ĐŨA CHÓ/MÈO CÓ TRIỆU CHỨNG GÌ?
Về nguyên tắc, dựa theo chu trình phát triển của Toxocara trong cơ thể người như ở phần trước, chúng ta có thể suy luận rằng nơi ấu trùng sau khi di chuyển đến và trú ngụ tại đó sẽ là nơi có khả năng xuất hiện bệnh. Trên thực tế, bệnh sẽ gặp hai hội chứng chính: Hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng và Hội chứng ấu trùng di chuyển ở mắt.
⊹HỘI CHỨNG ẤU TRÙNG DI CHUYỂN NỘI TẠNG:
Khi ấu trùng (từ đây sẽ viết tắt là AT) di chuyển đến các cơ quan của cơ thể, chúng có thể trú ngụ tại bất cứ cơ quan nào như tim, phổi, não, gan, lách…và mắc kẹt tại đó. AT không phát triển được, nằm yên, chờ thoái hoá dần (chết đi và tiêu biến). Trong quá trình thoái hoá đó, AT không tiết ra chất độc đối với cơ thể, nhưng cơ thể sẽ nhận diện AT như một vật lạ, ngoài ra các chất chuyển hoá xuất hiện từ giai đoạn thoái hoá AT sẽ kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể, dẫn đến hình thành các triệu chứng viêm và tổn thương tại cơ quan đó, ví dụ nếu AT tại phổi sẽ gây viêm phổi, ở tim sẽ gây viêm cơ tim…
⊹HỘI CHỨNG ẤU TRÙNG DI CHUYỂN Ở MẮT: Cơ quan mắt được xếp riêng vì nơi đây cũng được báo cáo thường gặp các tình trạng nhiễm trùng ở mắt/ tìm thấy AT ở mắt như Hội chứng AT di chuyển nội tạng. Tuy nhiên đối với AT ở mắt có thể thuận lợi hơn vì việc gắp được AT trong mắt để xác định bệnh có tính khả thi cao hơn đối với AT trong các nội tạng sâu như gan, phổi, tim…
⊹MỀ ĐAY MẠN TÍNH:
Một dạng khác thường gặp của nhiễm giun đũa chó/mèo là nổi mề đay hay mẩn đỏ rải rác trên người. Trên thực tế dạng này lại thường gặp hơn tại các phòng khám ngoại trú do sự biểu hiện rõ ràng các triệu chứng bệnh so với các triệu chứng không điển hình của AT di chuyển nội tạng. Bệnh nhân thường xuất hiện các tổn thương da rải rác toàn thân hoặc khu trú tại một vài bộ phận. Việc này xảy ra do 3 lý giải có thể: 1/ AT giun di chuyển dưới da và gây kích ứng, phát triển phản ứng viêm; 2/ quá trình trú ngụ tại đó, AT kích thích phản ứng viêm hoặc 3/ khi AT thoái hoá, các chất tiết từ quá trình phân huỷ sẽ kích thích phản ứng viêm.
Các ảnh trên cho thấy những tổn thương dưới da đa dạng do AT Toxocara gây nên. Vậy tổn thương dưới da nào đặc hiệu cho AT Toxocara? Câu trả lời là không có. Tuỳ mức độ của phản ứng viêm, tuỳ cơ địa, mỗi người sẽ có những biểu hiện ngoài da không phải lúc nào cũng giống nhau.
THẮC MẮC 5: QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ CÓ PHỨC TẠP?
Toxocara spp là tác nhân ký sinh, trú ngụ trong mô của cơ thể, vì thế việc điều trị cũng khó khăn hơn so với các loài giun khác chỉ trú ngụ trong lòng ruột. Thời gian điều trị kéo dài, từ 14-21 ngày, tuỳ khả năng đáp ứng và tác dụng phụ của thuốc trong lúc theo dõi quá trình điều trị. Chính vì thế việc cần đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ là cần thiết, để có thể xử trí, điều chỉnh kịp thời các tác dụng phụ của thuốc.
THẮC MẮC 6: TẠI SAO ĐIỀU TRỊ XONG VẪN CÒN NGỨA?
Điều này thường xảy ra đối với các bệnh nhân. Lý giải cho thắc mắc này, chúng ta cần nhớ AT Toxocara trú ngụ trong mô cơ thể chứ không phải trong lòng hệ tiêu hoá. Vì chúng sống trong mô nên quá trình thoái hoá của cơ thể giun cũng diễn ra dần dần, mỗi lần như vậy lại có thể kích hoạt phản ứng viêm, gây ra tình trạng dị ứng da như đã giải thích ở trên.
Ngoài ra, một số người có cơ địa dị ứng tiềm ẩn, tức là trước giờ không bị dị ứng da/chàm da, sau khi nhiễm giun cơ địa này được kích hoạt và trở nên mẩn cãm hơn đối với một số tác nhân, ví dụ thời tiết, khói bụi, thức ăn hải sản…
LỜI KẾT
Tóm lại, giun đũa cho mèo Toxocara spp là một tác nhân ký sinh trùng thường gặp trong đời sống chúng ta, biểu hiện bệnh đa dạng nhưng thể bệnh nhẹ thường gặp nhắt là mẩn ngứa mề đay mạn tính. Thời gian điều trị cần kéo dài để đạt hiệu quả tốt nhất.
-Drquanpm–