Sài Gòn khói lửa

Hôm nay, mình được dạy một lứa kỹ thuật viên xét nghiệm mới, lứa tuổi thi tốt nghiệp phổ thông đợt 7-8/7/2021.

Nếu ai đã từng sống trong “những ngày khói lửa” tại Sài Gòn khi ấy cũng luôn nhớ thời điểm này. Có những cảm xúc không thể nào phai nhạt dù nhiều năm nhiều tháng đã qua…

Còn nhớ rất rõ buổi chiều trước 0h ngày cách ly toàn diện, đường phố bỗng “nhộn nhịp sầm uất” như trước chỉ thị 15. Nào có ai nghĩ rằng cảnh “nhộn nhịp” ấy là sự ám ảnh, là nỗi sợ bao trùm của việc thiếu lương thực, thiếu thuốc men trước những ngày cách ly sắp tới. Chỉ thị 15 bỗng hoá hư không, nỗi lo gia đình ăn không no, của cho sẽ không có, còn đáng sợ hơn rất nhiều. Nỗi sợ ấy ép buộc người dân xuống đường, chạy ngược xuôi tất tả gom đồ ăn, gom hàng tích trữ. Mình cũng chạy đi, nào là gom tã, sữa cho con, nào là mua thêm đồ ăn khô, và việc chạy ngoài đường khi ấy khiến mình thiệt sự bất an. Dòng xe luôn có cảm giác vội vã, hấp tấp, không còn là dòng xe hiền hoà của những sáng đi làm đi học. Trong tâm thế lo lắng không biết sẽ có gì nguy hiểm khi cứ ngược xuôi, mình chỉ muốn về đến nhà an toàn và nhanh nhất có thể.

Có ai còn nhớ rằng CT16 lúc bắt đầu chỉ có 15 ngày, nhưng sau đó là 4 tháng ròng rã, cả Sài Gòn oằn mình chống dịch. Những ngày tiếp theo của mình là chuỗi ngày khoắc khoải, nỗi niềm của một người Sài Gòn đúng điệu: ĐAU. Đau vì thấy nơi mình lớn lên lại hoang tàn như thế; Đau vì cảm giác hụt hẫng bất lực trước sự tàn phá sinh mệnh ghê gớm của Delta, và Đau vì có lẽ là những cơn đau dạ dày, do lòng đau.

Nhìn vào sự thật rằng dịch bệnh được khống chế bằng cách PHÒNG chứ không phải bằng cách TRỊ, có ai hiểu hơn nỗi đau còn từ việc bất lực trong suy nghĩ “Giá như sớm hơn…” của những nhân viên y tế? 

Giờ đây, Sài Gòn đã lành bệnh, dịch cũng đi qua. Chưa từng và chưa bao giờ muốn viết về tâm trạng khi ấy. Nhưng chỉ cần một điểm chạm cảm xúc nhẹ nhàng như sáng nay, là lòng lại chạnh. Mong rằng sẽ không còn “khói lửa thời bình” nào như thế…

-03/2023-