Gần đây tôi tình cờ gặp một chị bệnh nhân đi tái khám và làm tải lượng virus viêm gan B. Đây là bệnh nhân của một vị bác sĩ khác, tuy nhiên do công việc cá nhân nên người bệnh này đi không đúng ngày khám bác sĩ quen và gặp tôi.
Câu chuyện sẽ đơn giản hơn nếu như không có sự thay đổi loạn xạ trong phác đồ quản lý cho bệnh nhân này. Chúng ta hãy bắt đầu với những khái niệm cơ bản của viêm gan siêu vi B để hiểu tình huống sắp kể:
Cụm từ chẩn đoán “viêm gan siêu vi B” bao gồm 2 thành phần: VIÊM GAN và SIÊU VI B, ý nghĩa rằng: bệnh nhân bị VIÊM GAN do SIÊU VI B gây ra. Như vậy những người nhiễm SIÊU VI B nhưng không bị VIÊM GAN thì chỉ được chẩn đoán NHIỄM SIÊU VI B. Điều này đã được tôi nói đi nói lại hàng ngàn lần khi giảng cho các học viên.
Giải thích cho vấn đề trên một cách dễ hiểu: một người có thể nhiễm siêu vi B, nhưng tại thời điểm thăm khám con siêu vi đó không gây nên tình trạng viêm gan ở bệnh nhân (viêm gan có nhiều mức độ: nặng mới biểu hiện triệu chứng, nhẹ thì chỉ phát hiện được qua xét nghiệm). Giai đoạn này bệnh nhân không cần điều trị, chỉ theo dõi định kỳ hoặc khám lại khi cảm thấy cơ thể có dấu hiệu gì đó bất thường (vàng da vàng mắt, ăn không tiêu,…).
Khi siêu vi B bắt đầu gây hiện tượng viêm gan, đồng thời số lượng siêu vi trong máu tăng cao ở một ngưỡng tiêu chuẩn, bệnh nhân lúc này mới được chẩn đoán là Viêm gan siêu vi B: Đây là giai đoạn cần phải điều trị.
Quay lại tình huống chị bệnh nhân trên: khi xem lại hồ sơ bệnh án, giai đoạn khởi trị không thấy tình trạng viêm gan, chỉ có nhiễm siêu vi B. Như vậy giai đoạn đầu chiến lược quản lý siêu vi B đã không phù hợp.
Theo dòng thời gian, thuốc điều trị ban đầu (thuốc I) có vẻ diễn tiến tốt thì được “phán” là kháng thuốc (ghi nhận thiếu xét nghiệm qua các thời điểm thăm khám nhưng vẫn ghi là kháng thuốc), và chuyển sang một thuốc khác (thuốc II). Đến thuốc II bắt đầu xét nghiệm định kỳ và rõ ràng hơn, và trước khi gặp tôi bệnh nhân đã được “tiên lượng” trước là kháng luôn thuốc II. Điều đặc biệt trong các xét nghiệm của bệnh nhân từ đầu đến cuối, men gan hoàn toàn bình thường !
Hai lỗ hỗng được xem xét cho tình huống trên:
- Vấn đề khởi trị ban đầu cho bệnh nhân này: không đúng với khuyến cáo và phác đồ quản lý viêm gan siêu vi B.
- Vấn đề kháng thuốc: thiếu ghi nhận hồ sơ xét nghiệm, ảnh hưởng đến quá trình theo dõi của đồng nghiệp sau này.
(Xin không bàn đến việc bệnh nhân có kháng thuốc thật sự hay không, vì hồ sơ xét nghiệm trong giai đoạn bệnh nhân được bảo là kháng thuốc không được ghi nhận).
Thật ra, viêm gan B không quá khó quản lý. Nếu quản lý đúng từ ban đầu, bệnh nhân có thể trì hoãn việc uống thuốc một thời gian rất dài, nhiều tháng nhiều năm mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến cơ thể. Tuy nhiên, chỉ cần sơ sẩy chệch khỏi đường đi sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không đáng có, ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh nhân.
Chỉ cần nhớ rằng: có thể làm ít, nhưng hãy làm đúng, như thế cũng đã đủ đắc nhân tâm!
tháng 2 năm 2023
WS